Nông dân mở thư viện tư nhân

tháng 11 16, 2012 |
Ông Huỳnh Tấn Hưng trong thư viện của mình - Ảnh: Tiến Trình

Hơn 10 năm nay, ông Huỳnh Tấn Hưng ở Mỹ Lộc (H.Tam Bình, Vĩnh Long) vẫn kiên trì lặn lội khắp nơi xin sách báo về phục vụ người dân quê mình. Ông là nông dân hiếm hoi ở ĐBSCL đứng ra thành lập thư viện tư nhân ở vùng quê hẻo lánh.

Bảng hiệu nhỏ bằng gỗ đề “Thư viện tư nhân Tứ Hưng” treo phía trên hiên ngôi nhà lợp lá khiến người qua lại con đường quê cong quẹo ở ấp 8 phải chậm lại nhìn. Bên trong căn nhà không cửa là những kệ sách được kê tươm tất. Ngay lối ra vào là dãy bàn đá, nơi nam phụ lão ấu xa gần đến quây quần bên những quyển sách. Cha bị rắn cắn phải đi thầy thuốc, cậu bé Huỳnh Tấn Chơn (13 tuổi) được phân công ở nhà trông coi thư viện với trên 3.000 quyển sách các loại. Hơn 10 năm nay, nhà ông Huỳnh Tấn Hưng (51 tuổi) lúc nào cũng có người túc trực hướng dẫn, đón tiếp bà con tới tìm sách như thế.
Trước ông Hưng làm công tác Đoàn, rồi làm trưởng ấp. Nhà có quán cà phê cóc, mỗi lần đi họp thì ông xin tất tần tật những gì “có chữ đọc được” là mang về nhà, từ báo cũ, tờ rơi tuyên truyền phòng trừ sâu bệnh, an toàn giao thông, sinh đẻ có kế hoạch… Ở vùng quê thiếu sách báo thì những thứ đó trở nên quý hiếm. Nhà ở gần con lộ đất, người qua lại thấy cảnh nông dân già trẻ xúm lại nhà ông Hưng đọc sách báo mà xúc động. Ông Hưng kể, đầu tiên có hai “bà Tây” ở Quỹ bình đẳng giới Đan Mạch - Thụy Điển đi qua thấy người ta đọc sách ở dưới tán cây, đã thông qua xã tặng cho chiếc tủ đựng sách.
Đó là tài sản đầu tiên của thư viện. Kế đến, nhiều người xa gần nghe tiếng có người đứng ra mở điểm đọc sách cho nông dân đã nhiệt tình ủng hộ. Ông Bùi Chí Hiếu (công tác ở Sở GD-ĐT Vĩnh Long) tặng cho bộ sách giáo khoa; ông Tám Phong (Phó chủ tịch huyện) mỗi tháng về thăm chị ruột ở gần đó cũng không quên mang theo báo cũ trong tháng được gói cẩn thận để tặng lại cho người dân đọc. Ông Phi (ở phòng Nội vụ) đi họp ở đâu có sách mang về là tặng lại cho ông Hưng. Một nhà thơ ở Sài Gòn, hay một nông dân ở trong xã…, mỗi người một ít đã góp vào mà tủ sách càng đầy hơn. Người đọc ngày càng đông hơn. Ông Hưng bàn với vợ dẹp luôn quán cà phê, dành mặt bằng cất lại căn nhà cho sạch sẽ để có chỗ bà con đến ngồi đọc sách.
Tuy số lượng sách báo “hảo tâm” ngày càng nhiều, nhưng vẫn chưa phong  phú. Năm 2008, ông Hưng xin thư viện tỉnh cho đi thi tại Hội sách TP.HCM, mà mục đích lớn nhất của ông là tìm nguồn… xin sách. Nhưng bất ngờ, lần đó “thủ thư nông dân” này đoạt luôn giải đặc biệt, được cử báo cáo điển hình ở Hà Nội. Ông Hưng nhớ lại: “Cơ hội tới khi tui đến bắt tay ông Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL), được ông giới thiệu với cán bộ ở các tỉnh. Gặp ai tui cũng xin số điện thoại để sau này liên hệ… xin sách. Mình xin về cho người dân của mình, đâu phải xin cho riêng mình nên tui không ngại”.
Có được “nguồn” sách, ông Hưng phải đi như con thoi đến các tỉnh, đi Sài Gòn, liên hệ với các nhà xuất bản, các thư viện… Mỗi lần mang được một bao sách về là cả nhà ông coi như được mùa lúa. Từ nguồn sách “hảo tâm” này, cùng với số sách luân chuyển của Thư viện tỉnh Vĩnh Long, hiện thư viện Tứ Hưng của nông dân Huỳnh Tấn Hưng đã có thường trực trên 3.000 đầu sách. Từ nhiều năm nay, đây là nơi lui tới thường xuyên của những nông dân, học sinh, sinh viên và của cả cán bộ địa phương đến tìm tài liệu phục vụ công tác.
Vậy ông nhận được gì từ việc mở thư viện miễn phí này? Ông nông dân cười hiền: “Mấy đứa con tui hằng ngày mê đọc sách mà học giỏi cả đó chú”. Nhà ông hiện có 4 người con tốt nghiệp đại học. “Ấp 8 của tui có tới 70 -80 người học đại học rồi chứ đâu ít”, ông khoe.
Tiến Trình

Read more…

Nhà giáo dục nhân bản

tháng 10 19, 2012 |

Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Einstein là “Nhân vật của thế kỷ 20”TT Einstein mất ngày 18-4-1955 tại Princeton, Mỹ, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ truy điệu được tổ chức đơn giản trong vòng bạn bè thân thiết nhất.

Vài giờ trước khi mất, Einstein lặp lại với Margot, con gái của ông: “Tôi đã làm xong việc của tôi trên quả đất”. Bí mật cuối cùng ông mang theo là những tiếng thều thào bằng tiếng Đức trước lúc ông chấm dứt cuộc hành trình để vĩnh viễn trở về với cát bụi. Cô y tá trực không biết một chữ Đức nào. “Những lời nói sau cùng của con người khổng lồ trí thức đã bị mất đi vào thế giới”, đó là hàng chữ to trên tờ New York Times ngày hôm sau. Khi mất, Einstein để lại di chúc yêu cầu đem tro của mình rải vào không gian ở nơi không ai biết.Theo di chúc của ông, không có điếu văn, nghi lễ, không hoa, không nhạc, không bia mộ. Otto Nathan, người thực hiện di chúc của ông, bước tới quan tài để đọc mấy dòng thơ của Goethe có hai câu kết: “Ông tỏa sáng trước chúng ta, như một sao chổi rồi vụt biến. Ánh sáng vô tận - quyện với ánh sáng của ông”.
“Cơn ác mộng” thi cử
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của mình, Einstein xác định yếu tố giáo dục và suy nghĩ độc lập quyết định con đường đi của mình. Ông nhớ lại: “Khi dọn về Aarau ở Thụy Sĩ năm 1896 và vào trường đại học bách khoa kỹ thuật, lần đầu tiên tôi mới ý thức rằng tôi không thích như thế nào cách nhồi nhét và học thuộc lòng, cách dạy của môn toán. Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi hình thành vào thời điểm này”. Ông nói mục đích của nhà trường là “phải để con người trẻ phát triển trong một tinh thần mà những nguyên tắc này (sự phát triển tự do và tự chịu trách nhiệm của cá nhân) trở thành tự nhiên như không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”.
Về việc học nhồi nhét, Einstein nói: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi tính háu ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những thức ăn dưới áp lực đó”.
Chính trong thời gian tại sở sáng chế ở Bern, không bị áp lực và sự lôi cuốn của bộ máy hàn lâm, Einstein mới có đủ sự yên tĩnh và bình tĩnh để phát triển, kiến tạo những ý tưởng mới của ông. Ông kể: “Bởi vì nghề nghiệp hàn lâm đặt một người nghiên cứu trẻ vào một loại tình huống bắt buộc là phải sản xuất các bài nghiên cứu khoa học với số lượng gây ấn tượng - một sự cám dỗ dẫn đến sự hời hợt mà chỉ có những cá tính mạnh mới có khả năng cưỡng lại được”.
Einstein rất ghét việc chạy theo thi cử và thành tích: “Thời còn đi học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác mình không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắc nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt bởi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ”.
Sau một năm ông mới bắt đầu lại công việc khoa học. Giáng sinh năm 1917, tờ Berliner Tageblatt đăng một bài báo của Einstein, tựa đề “Cơn ác mộng”. Thi cử đối với ông là ác mộng. Ông đã đề nghị xóa bỏ các kỳ thi tú tài, vì nó vô ích và có hại, vì khi thầy cô đã biết rõ học lực của một học sinh trong nhiều năm liền thì không cần thiết phải thi nữa.
Ông cũng không xây dựng một trường phái nào, không muốn áp đặt tư duy cho ai. Ông nói với tư cách là người thầy với trái tim rộng mở: “Tôi không bao giờ dạy học sinh, tôi chỉ cố gắng tạo ra những điều kiện để chúng có thể học”.
Người “lữ hành cô đơn”




Giá trị lớn của cuốn sách Einstein (Nguyễn Xuân Xanh, NXB Tổng Hợp TP.HCM xuất bản tháng 2-2007) là trình bày sinh động quá trình tư duy, phương pháp luận, tố chất của con người Einstein để dẫn đến những phát minh đó.
Bạn đọc không nhất thiết phải am hiểu về vật lý lý thuyết hoặc thuyết tương đối để đọc cuốn sách này. Bạn đọc trẻ có thể học được từ cuốn sách những đức tính quí báu cho cuộc đời mình, đó là sự lao động trung thực, đức tính hoài nghi những chân lý được coi là vĩnh hằng, sự yêu tự do tư tưởng, sự đấu tranh không khoan nhượng trước những giáo điều không hề được thực tế chứng minh, sự dấn thân vì chân lý, vì hòa bình, vì tương lai của nhân loại.
Những đức tính như óc tò mò, trí tưởng tượng, sự kiên trì, tinh thần không chịu khuất phục trước bất kỳ quyền lực áp đặt nào, đó là những bài học sinh động mà bạn đọc có thể tìm thấy qua những phát biểu, những ví dụ sinh động trong cuộc đời của Einstein.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng lúc khi đất nước ta đang rất cần trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng suy nghĩ và hành động tìm tòi cái mới, đột phá để vươn lên trong cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, nó là một đóng góp rất có ích cho công cuộc cải cách kinh tế, đổi mới giáo dục hiện nay.           
TS Lê Đăng Doanh
Trong chuyến đi Mỹ năm 1921, tại Boston, Einstein được đưa cho bảng câu hỏi Edison để trả lời, người ta muốn xem ông trả lời đúng đến đâu như một trắc nghiệm thông minh. Đến câu hỏi về vận tốc âm thanh, ông trả lời: “Điều đó tôi không biết. Tôi không muốn làm nặng nề trí nhớ của tôi với những sự kiện như thế, những thứ mà tôi có thể tìm thấy dễ dàng trong bất cứ từ điển bách khoa nào”.
Ông cũng không đồng ý với quan điểm của Edison cho rằng kiến thức quan trọng hơn giáo dục đại học. Ông trả lời: “Đối với con người, kiến thức không quan trọng lắm. Để có kiến thức con người không cần đến đại học.
Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”.
Einstein cho rằng tệ nạn xấu nhất của chủ nghĩa tư bản là “làm què quặt cá nhân”. “Cả hệ thống giáo dục chúng ta đau khổ vì tệ nạn này. Một thái độ cạnh tranh quá đáng được khắc sâu vào sinh viên, anh ta được huấn luyện để tôn thờ sự thành công hám lợi như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai”, Einstein nói. Đạo đức đối với ông là tiêu chuẩn hàng đầu: “Một tính cách tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”. Nền tảng của tất cả mọi giá trị của con người là đạo đức.
Einstein cho rằng mục tiêu (của nhà trường) phải là sự đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời. Einstein từng phát biểu: “Tôi tin rằng sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có liên quan đến sự máy móc hóa và sự làm mất đi tính chất cá nhân trong cuộc sống của chúng ta - một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần khoa học - kỹ thuật. Lỗi của chúng ta”.
Trong quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân, Einstein đặt nặng vai trò của cá nhân: “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do”. Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hóa cho nhân loại.
Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ. Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội”. Einstein chứng kiến trong thế kỷ 20 vô số cá nhân phải chịu số phận nghiệt ngã trước sự khước từ của xã hội, của số đông, của chính quyền đại diện họ.
Chính số đông đã để mình chịu khuất phục dễ dàng trước các quyền lực chính trị, để đẩy nhau vào nỗi bất hạnh, trong khi “một số ít người không tham gia vào cách suy nghĩ thô bạo của số đông, vẫn sống theo lý tưởng tình yêu con người, không bị ảnh hưởng bởi những đam mê của họ thì phải chịu một số phận bi thảm hơn nhiều: họ bị ném ra khỏi xã hội và bị đối xử như những kẻ bị hủi nếu họ không chịu làm những hành động mà lương tâm họ chống lại, và im lặng hèn nhát về những gì họ thấy và cảm nhận”.
Einstein vốn sống cô đơn. Bất cứ ở nơi nào, Thụy Sĩ, Prague, Berlin hay Princeton, ông đều có cảm giác là người xa lạ và ngoài cuộc. Ngoài cái cô đơn do khoa học, Einstein còn nỗi cô đơn riêng của một người không lúc nào thuộc hẳn vào thế giới này. Ông vẫn là người “lữ hành cô đơn” không bến đỗ trên đường đi tìm chân lý của mình, con đường ông đi sẽ đưa ông về một chân trời vô định và chỉ còn một mình ông trên đó.
NGUYỄN XUÂN XANH biên soạn
Read more…

Học làm người

tháng 10 19, 2012 |

Có những khoảnh khắc làm ta rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy những người nghèo khổ, thiếu thốn cả những gì cơ bản nhất. Cái dư thừa của người này, thậm chí với họ chỉ là… rác, nhưng với người nghèo thì có thể là điều họ khao khát. Quả thật, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Miếng ăn thêm khi chúng ta no là miếng ăn của người nghèo khổ. Nếu vậy thì chúng ta thiếu nhân đạo! Một danh nhân đã xác định: “Chỉ những ai có lòng thương người thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người”. Câu này đáng để chúng ta suy ngẫm và xem lại chính mình!
Trong một liên hoan phim ngắn tại Berlin (Đức), khi xem phim ngắn Chicken à la Carte (có thể xem ở đây ), cả ban giám khảo và khán giả đã xúc động khi thấy người cha nghèo ngăn đứa con gái thò tay lấy miếng thịt gà. Thật ra những miếng thịt gà kia chỉ là những cổ, chân, cánh,… bị gặm dở mà người cha đã lấy từ thùng rác của một nhà hàng sang trọng và đem về cho vợ con ăn.
 
Xem clip phim này tại đây

Chuyện kể rằng Ðại sư Tinh Vân có một đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền đi học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm dùi mài kinh sử, đệ tử đó hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui. Một hôm đệ tử đó về vinh qui bái tổ và thưa với ngài Tinh Vân: "Bạch Sư phụ, nay con đã có bằng Tiến sĩ rồi, con còn phải học những gì nữa không?"
Ngài Tinh Vân điềm nhiên trả lời: "Học làm người". Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được. Ngài Tinh Vân cho rằng bất luận là sĩ, nông, công, thương là những người ở tầng lớp có học thức và có tiến bộ, hãy chia sẻ với người khác về những điều mình hiểu biết. Nhưng dù là ai thì vẫn cần phải học không ngừng. Phải tu thân trước, rồi mới đủ uy tín trị quốc, và sau đó mới khả dĩ bình thiên hạ. Đạo Làm Người là đạo quan yếu nhất, dù theo đạo nào và ở cương vị nào thì trước tiên vẫn phải biết Làm Người. Đây là vài “tín chỉ” trong môn “học làm người”:
 
1. Học Nhận Lỗi. Con người thường không chịu nhận phần lỗi mình, tất cả lỗi lầm đều đổ cho người khác, vì chúng ta cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra “không biết mình” là lỗi lầm lớn nhất. Đừng nghĩ mình “lớn” thì hoàn hảo và vô tội. Càng lớn càng dễ lỗi lầm vì có thể đổ lỗi cho người dưới. Ðối tượng mà mình nhận lỗi có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… và bất kỳ ai trong xã hội, thậm chí là người nhỏ hơn mình và với chính người không tốt với mình. Nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân và được khâm phục. Biết nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu thân lớn và là một nhân đức.
 
2. Học Khiêm Nhu. Răng cứng, lưỡi mềm. Nhưng cuối cuộc đời, răng rụng hết mà lưỡi vẫn còn nguyên. Đó là bài học về sự mềm mỏng, khiêm nhu. Được vậy thì đời người mới có thể tồn tại dài lâu, chứ “cứng” thì chỉ thiệt thòi. Tâm hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu thân. Có tâm hòa thì mới có nhân hòa. Chúng ta thường hình dung những người cố chấp có tấm lòng và tính cách rất “lạnh”, rất “cứng” như sắt thép vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở và tâm tính, dần dần khiến “ngựa chứng” phải thuần thục thì cuộc sống sẽ vui tươi, hạnh phúc và kiên vững.
 
3. Học Đức Nhẫn. Nhẫn nhục là loại “cỏ quý”, là “bùa hộ thân” đặc biệt. Biết nhẫn một chút thì có thể làm sóng yên biển lặng. Nhường nhịn không phải là chiến bại. Nhẫn để tiêu trừ điều ác. Nhẫn là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Muốn sinh tồn thì phải biết nhẫn để có thể phân biệt đúng – sai, thiện – ác, tốt – xấu, thậm chí chấp nhận nó.
 
4. Học Thấu Hiểu. Không hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm,... Nên thấu hiểu để biết cảm thông và giúp đỡ nhau. Không cảm thông nhau không thể tha thứ cho nhau, không thể có hòa bình. Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính!
 
5. Học Khước Từ. Cuộc đời như một chiếc va-li, lúc cần dùng thì xách nó lên, không cần thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo túi hành lý nặng nề vậy, cuộc đời luôn trĩu nặng. Cuộc đời hữu hạn, biết phục thiện, biết tự trọng và tôn trọng, biết bao dung thì mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết khước từ chính mình để có thể sinh tồn.
 
6. Học Xúc Ðộng. Nhận ra ưu điểm của người khác thì chúng ta nên hoan hỷ, thấy điều không may của người khác nên biết xúc động. Vui với người vui, buồn với người buồn. Trắc ẩn là lòng thương yêu, là thiện tâm. Trên đời có rất nhiều cảnh thương tâm, nhiều cuộc đời rất đáng thương, vô cảm là độc ác.
 
7. Học Sinh Tồn. Ðể sinh tồn, chúng ta phải biết giữ gìn sức khỏe – tinh thần và thể lý. Tinh thần thoải mái thì thân thể khỏe mạnh, và ngược lại. Thân thể khỏe mạnh không chỉ ích lợi cho bản thân mà còn làm cho gia đình, bạn bè an tâm. Đó cũng là biết sống hiếu đễ với người thân.
 
Ước mong càng ngày càng có nhiều người “tốt nghiệp” loại ưu với môn “học làm người” từ Trường Đại học Cuộc Đời… 
Read more…

Bài 5: Học Tập Chữ “Dũng”

tháng 10 19, 2012 |

I – Dẫn Nhập 

Đeo Nhạc Cho Mèo 

Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, gia đình họ hàng nhà chuột rất uất ức khi suốt ngày bị mèo rình bắt và ăn thịt. Thế là cuộc họp hội đồng chuột được diễn ra nhằm đưa ra biện pháp chống lại loài mèo. Bàn đi tính lại không sao nghĩ được mẹo gì hay.
Bấy giờ một con chuột nhắt lên tiếng:
Sở dĩ chúng ta bị chết là vì chúng ta không biết khi nào mèo đến. Phải đeo nhạc vào cổ mèo, cho phát lên thành tiếng. Khi ấy, mỗi khi mèo tới gần chúng ta đều nghe rõ và chúng ta sẽ chuồn kịp thời.
Tất cả thống nhất ý kiến của chuột nhắt là sẽ đeo lục lạc vào cổ mèo. Ai cũng vỗ tay tán thưởng ý kiến này của chuột nhắt. Nhưng đến khi giao nhiệm vụ cao cả là đeo lục lạc vào cổ mèo thì không có con chuột nào dám đứng ra nhận nhiệm vụ cả vì ai cũng sợ mèo.
Cuộc họp còn đang sôi nổi thì bất ngờ đâu đó vang lên hai tiếng “meo meo”. Lập tức họ nhà chuột biến đâu mất hết và cuộc họp giải tán.

Con Lừa Can Đảm 

Có một người nông dân nọ có một con lừa già bị rơi xuống giếng. Người nông dân đã quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa tội nghiệp.
Lúc đầu, con lừa thêm phần kinh hoàng vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên: Cứ mỗi lần một tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên.
Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa tiếp tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ.
Và không bao lâu sau, cuối cùng dù bị bầm dập và kiệt sức, con lừa cũng lên khỏi miệng giếng và nhảy nhót vui mừng.

II – Nội Dung 

1. “Dũng” là gì? 

“Dũng” là thói quen tập trung ý chí và vận dụng sức mạnh tinh thần vào một mục đích đã định, quyết tâm vượt mọi trở ngại.
“Dũng” thường đi kèm với “Tự Chủ” và “Cương Nghị”

a/ Tự Chủ: 

Tự chủ là làm chủ lấy mình, khắc phục mọi âu lo, sợ hãi, mọi dục vọng bất chính của mình.
Người tự chủ là người luôn tỉnh táo trước tình thế nguy nan, không lộ vẻ lo sợ, buồn bã, cuống cuồng (Con lừa trong câu chuyện dẫn nhập)
Người tự chủ luôn giữ được thăng bằng để suy nghĩ cẩn thận, trấn áp những cảm xúc của mình như: giận dữ, sợ hãi, lo âu… nhờ đó luôn sáng suốt giải quyết mọi tình huống bằng lý trí.
Người không biết tự chủ thì tâm trí mê muội, mặc cho dục vọng, tính xấu triển nở, vì giận quá mất khôn, lo quá nên rối trí, mừng quá sinh ảo tưởng…
Nhờ tự chủ, tinh thần càng được phấn khởi, ý chí càng đanh thép vươn lên và vượt thắng mọi trở lực.

b/ Cương Nghị: 

Là khi đã quyết định thi hành một công việc nào, thì quyết tâm làm và nỗ lực làm tới cùng.
Người cương nghị trước khi bắt tay vào việc, họ suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại, rồi sau đó tiến hành công việc cho đến khi hoàn tất chu đáo.
Người thiếu cương nghị cũng suy nghĩ đắn đo, cân nhắc lợi hại nhưng lúc cần bắt tay vào việc thì phân vân, vừa muốn vừa thôi.
Kết cục làm dang dở (họ nhà chuột trong câu chuyện dẫn nhập)

2. Vì sao phải giữ chữ “Dũng”? 

Sợ hãi là điều làm con người nhụt chí không dám làm gì cả.
Sợ hãi có thể làm tê liệt cuộc sống, hành động, suy nghĩ của con người.
Đặc biệt sự sợ hãi đến từ những lời hăm dọa của kẻ khác như hăm dọa giết chết, hăm dọa bêu xấu, hăm dọa đánh bất ngờ… dẫn tới những hành động trái lương tâm.
Trong cuộc sống, công việc, học tập không phải bao giờ cũng được suôn sẻ thuận lợi. Thay vì ngồi than thân trách phận, ta cần phải học tập chữ “Dũng”, can đảm đương đầu với khó khăn thử thách để vươn tới thành công (con lừa trong câu chuyện dẫn nhập)
Chữ “Dũng” rất cần thiết để thi hành “Cần” “Kiệm” “Liêm” “Chính”. Vì tự bản chất mỗi “con người” đều có 2 phần: phần “con” và phần “người”.
Chữ “Dũng” giúp ta can đảm bỏ đi những cái thuộc về phần “con” để vươn tới sự hoàn thiện phần “người” tức là đạt “trưởng thành nhân bản”. 

3. Giữ chữ “Dũng” như thế nào? 

Dũng cảm không có nghĩa là dám quay tài liệu trong giờ kiểm tra. Dũng cảm là khi bạn tự làm bài kiểm tra mà không cần tài liệu. Sống trung thực với bản thân mình là bạn đang sống dũng cảm.
Dũng cảm không có nghĩa là dám trốn học đi chơi mà không sợ bị phạt.
Nhưng dũng cảm là dám ngồi học một mình khi tất cả những người khác đều đã đi chơi. Dũng cảm không phải là khi bạn có những hoài bão to lớn nhưng dũng cảm là khi bạn nỗ lực hết mình vì hoài bão đó.
Dám nghĩ dám làm, thế mới gọi là dũng cảm. Dũng cảm không phải là khi đèn đỏ và xe cộ đông đúc, bạn vượt lên còn mọi người đứng lại. Dũng cảm là khi đèn đỏ và đường vắng, mọi người vượt lên và bạn đứng lại chờ đèn xanh.
Dũng cảm không phải là bạn dám chỉ trích khi người khác phạm lỗi. Nhưng dũng cảm là biết nhìn nhận khuyết điểm khi mình có lỗi. 

4. Lời kết 

Napoleon nói: “Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng bản thân”. Do đó, người dũng cảm nhất là người dám chiến thắng bản thân mình, tức là người tự chủ và cương nghị. 

III – Liên Hệ Lời Chúa 

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục...” (Mattheu 10, 28) 
Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Gioan 16, 33) 

IV – Luyện Tập 

Các phương thế siêu nhiên: cầu nguyện, hy sinh, lãnh các bí tích.
Ngoài các phương thế nêu trên cần rèn luyện ý chí, luyện tập sự trầm tĩnh và đọc sách nhất là các sách danh nhân và hạnh tích các thánh.
Phương pháp luyện tập sự trầm tĩnh: “Im lặng là vàng”. Lúc bị dao động, ta nên dừng lại một thời gian tĩnh lặng đừng làm gì cả, đừng ra điệu bộ, giậm chân, múa tay… Đừng giãi bày tâm sự, đừng quyết định chi cả. Đợi khi tâm não lấy lại quân bình, ta mới quyết định.
Nên nhớ: “Thời gian là thầy dạy khôn ngoan

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/thao-luan-ve-phong-trao/338-giao-duc-nhan-ban.html

Read more…

Bài 4: Học Tập Chữ “Chính”

tháng 10 19, 2012 |


I – Dẫn Nhập 

Người Chính Trực – Kẻ Gian Hùng 

Đời Tam Quốc, Quan Vân Trường bị thất thủ thảm bại ở Hạ Bì. Đơn thân độc mã phải phò tá hai người chị dâu là vợ của Lưu Bị qua nương nhờ Tào Tháo. 
Đêm đến, Tào Tháo cho ba người ngủ chung một phòng, dụng tâm là muốn cho chị em loạn luân, chúa tôi phải thất lễ. 
Vân Trường một dạ thẳng ngay không để tà tâm quyến rũ, một tay cầm đuốc, một tay cầm sách Xuân Thu ngồi gác trước cửa mà đọc đến sáng. 
Ai nấy đều khen Quan Công là người chính trực. Từ đó mới có câu “ngọn đuốc Vân Trường” dùng để chỉ những người ngay thẳng không để vật dục cám dỗ lòng mình. 
Cũng bởi một đời chính trực, có ân báo ân, thà chết chứ không chịu nhục mà sau khi ông qua đời, nhân dân đã tôn ông lên bậc thần thánh. 
Cũng vào đời Tam Quốc, Tào Thào được mệnh danh là kẻ Đại Gian Hùng, dối cha, lừa chú, bức ép thiên tử… 
Trong lần xuất quân thảo phạt Viên Thuật, quân Tào đi xa mệt mỏi, thiếu lương thực. Trong khi đó, quân Viên Thuật kiên quyết cố thủ thành trì, không chịu ra đánh. Tháo bèn nghĩ ra một cách. 
Tháo cho người giảm bớt khẩu phần ăn của binh lính để tạm giải quyết vấn đề lương thảo. Hắn sai người thay đấu lớn bằng đấu bé vì thế quân lính ăn không được no nên bắt đầu ca thán. 
Để ổn định lòng quân hắn sai người chém đầu viên quan coi lương treo lên trước doanh trại, rồi phao lên rằng: tên quan này vì tham lam, đã thay đấu lớn bằng đấu bé để chiếm đoạt phần lương thảo dư thừa. Nhờ đó mà lòng quân được ổn định. Nhưng người đời sau ai cũng bất bình trước thủ đoạn gian hùng của Tào Tháo. 

Chuyện Về Loài Dơi 

Ngày xưa, chim và chuột đã từng có một cuộc chiến lâu dài. 
Chim bay trên trời, nghĩ rằng mình có khả năng nhìn bao quát mặt đất, nên phải được quyền làm chủ trái đất. Chuột sống trong lòng đất nên cho rằng đất phải thuộc về mình. 
Thế là chiến tranh bắt đầu. Lúc đầu, dơi đứng về phía chim. Nhưng khi thấy phe chim yếu thế, dơi trốn vào một nơi vắng vẻ, đợi thời. Khi thấy chuột thắng trận, dơi theo về với chuột. 
Bị chuột khám phá dơi chối bai bải: “Hãy nhìn cho kỹ, lông của tôi, răng của tôi, và chân của tôi có đích thị giống chuột không? Loài chim đâu có thế?” 
Từ đấy, dơi theo phe chuột. Ít lâu sau, thấy phe chuột yếu thế, dơi lại bỏ trốn, nằm một chỗ đợi thời. Khi chim thắng trận, dơi nhập bọn với chim. 
Bị khám phá là người của đối phương, dơi lại chối bai bải: “Hãy nhìn kỹ đây, tôi bay trên trời như các bạn. Loài chuột đâu có cánh như tôi?” 
Từ đấy, dơi lại theo phe chim. Cho đến khi cả chim lẫn chuột cùng biết mình không thể thắng được, bèn bắt tay nhau nghị hòa. Họ lập một hội đồng quyết định số phận của dơi. 
Phe chuột nói với dơi “Mày theo phe chim, hãy về sống với họ.” Phe chim cũng nói: “Mày theo phe chuột, bây giờ hãy đi với chuột.” 
Cuối cùng, chẳng bên nào chịu nhận dơi, và cả hai phe đồng ý quyết định: “Từ nay, mày sẽ bay một mình trong đêm, và sẽ không được làm bạn cả với những ai biết bay hay biết đi”. 
Đó là lý do tại sao dơi biết bay mà không đậu trên ngọn cây như chim, và chuyên sống chui rúc trong những hang động tối tăm bẩn thỉu. Khi ngủ, đầu dơi chúi xuống đất, đít ở trên đầu. Và chuyên kiếm ăn vào ban đêm, như phường trộm cắp. 

II – Nội Dung 

1. “Chính” là gì? 

“Chính” là không tà, thẳng thắn, đứng đắn đối với mình, đối với người và đối với việc. "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc sai thì dù nhỏ mấy cũng tránh". 
Bác Hồ dạy: “Chính đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, phát triển điều hay và sửa chữa khuyết điểm của mình. Đối với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Phải để việc nước, việc công lên trên việc tư, việc nhà. 
Công việc dù to hay nhỏ đều phải cố gắng hoàn thành. Phải luôn luôn nhớ “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. 
Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.” Người “chính trực” là người biết sống thẳng thắn, biết sống theo lẽ phải, không a dua nịnh bợ người có quyền thế để hưởng lợi, không biện bạch quanh co để bào chữa những sai trái của mình, dám nhìn nhận những lầm lỗi sai trái của mình mà không tìm cách đổ lỗi cho người khác. 
Người chính trực là người biết khen chê đúng ý nghĩa, không lừa mị người khác, không hứa hẹn bừa bãi những điều mà khả năng mình không thực hiện được, cũng không phải là hạng người "tay này cho, tay khác lấy lại" mà phải là người "cho mà không cần tính toán" 
Tóm lại, “chính trực” là nghiêm minh, là thành thật là tín trung, là không thiên vị. 

2. Vì sao phải giữ chữ “chính”? 

Bác Hồ dạy: “Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Một cây không chỉ cần có gốc rễ, mà phải có cả cành, lá, hoa, quả mới là cây hoàn chỉnh. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn...” Sự “chính trực” luôn đi kèm với sự “chân thật” và “công minh”. 
Trong cư xử, giao tiếp, chân thành là căn bản để được mọi người tín nhiệm và yêu mến. Ai cũng sợ những kẻ 
“khẩu phật tâm xà” 
“bề ngoài thơn thớt nói cười, 
mà trong nham hiểm giết người không dao” 

(Nguyễn Du). 
Người chính trực, chân thật, công minh thường được mọi người khâm phục, quý mến, tín nhiệm và cởi mở tâm tình (Nhân vật Quan Vân Trường trong câu chuyện dẫn nhập). 
Trái lại, người sống lừa dối, xảo trá, gian lận, thì bị khinh bỉ và xa lánh (Nhân vật Tào Tháo trong câu chuyện dẫn nhập) 
Lòng chính trực cho phép chúng ta sống với đời bằng tất cả trái tim mình. Cuộc đời ta không còn bị lôi kéo vào hàng ngàn hướng đi mâu thuẫn với nhau, mà chỉ còn một hướng đi duy nhất, đó là hướng đi tới sự lương thiện, hạnh phúc. 
Từ nền tảng của lòng chính trực, ta có thể tạo nên những mối quan hệ dựa trên nền tảng của sự tin cậy. Một cuộc sống bình an, chẳng có gì đáng lo sợ, giấu giếm sẽ mang lại cho ta nhiều hạnh phúc (xảo trá, lừa đảo, quanh co kết cục như loài dơi). 
Xét trên bình diện siêu nhiên, phải “chính trực” vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực; phải “chân thật” vì Thiên Chúa là chân lý là sự thật. 

3. Giữ chữ “chính” như thế nào? 

Người ta thường không giữ được sự công bằng chính trực vì hai lý do: 
+ Nguyên nhân bên trong: là tình cảm chi phối con người của họ. Tình cảm đó có thể là nhát sợ, yêu thương, thiên tư… 
+ Nguyên nhân bên ngoài: là ảnh hưởng của người mà họ tiếp xúc. Ảnh hưởng đó phát sinh do địa vị xã hội, do trình độ văn hóa, hay do thế lực kinh tế. Bởi đó người ta nể nang vì giàu sang phú quý, vì quyền cao chức cả, vì học thức cao… Những biểu hiện lỗi đức “chính trực” là sự dối trá, giả hình, mưu mô, xảo quyệt, khoe khoang… có thể biểu hiện trong: 
+ Lời nói: nói láo, nói khoác, thề gian, vu khống… 
+ Việc làm: làm chứng gian, gian lận trong thi cử, mua bán gian lận, lừa đảo… Để rèn luyện đức “chính trực” ta cần phải: 
+ Nghe theo tiếng lương tâm ngay thẳng 
+ Sống đức tin, nghĩa là tập nhìn con người sự vật và các biến cố theo cái nhìn của Đức KiTô Như thế họ sẽ không chọn danh vọng cho mình, chọn giàu sang cho mình, chọn khoái lạc cho mình. 
Liên hệ: Đức Giêsu đã không thể thắng cơn cám dỗ nếu Người chỉ qui hướng về mình. Người sẽ thua ma quỷ nếu Người tìm vinh danh mình khi hóa đá thành bánh, Người sẽ sập bẫy Satan khi nhảy xuống từ nóc cao đền thờ để được khen ngợi tung hô. 
Người sẽ thất bại thảm thương khi quỳ lạy ma quỷ để được vinh hoa thế gian. Nhưng không người luôn lấy Lời Chúa làm đèn soi để chống lại những cám dỗ. 
Vì thế, học tập gương Chúa Giêsu, ta phải luôn nghe theo tiếng Chúa mách bảo qua tiếng lương tâm ngay thẳng và nhìn mọi sự vật theo tinh thần của Chúa. 

4. Lời kết 

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời, Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người” (Hồ Chí Minh) 

Để trở thành một người có lòng chính trực thì bất cứ hành động nào của bạn cũng đều cần phải xuất phát từ tấm lòng, chứ không phải là hành vi xã giao, lấy lòng người khác hay giả dối” (Nguồn: Hạnh phúc không khó tìm) 

III – Liên Hệ Lời Chúa 

“ĐỨC CHÚA phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.” (Isaia 56,1) 
“ĐỨC CHÚA phán như sau: Hãy thực thi lẽ công minh và điều chính trực; hãy giải thoát người bị bóc lột khỏi tay kẻ áp bức; đừng ngược đãi ngoại kiều, trẻ mồ côi và người goá bụa; đừng cưỡng bức và đổ máu người vô tội ở nơi đây.” (Giêrêmia 22, 3) 

IV – Luyện Tập 

Trung thực trong khi thi cử. Tôn trọng sự thật, không huênh hoang khoác lác, khoe mẽ về mình; không coi thường kẻ dưới; không vu khống cáo gian; không đổ lỗi cho người khác. 
BTVN: chép vào tập và trang trí để luôn tâm niệm "Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc sai thì dù nhỏ mấy cũng tránh"

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/thao-luan-ve-phong-trao/338-giao-duc-nhan-ban.html
Read more…

Bài 3: Học Tập Chữ “Liêm”

tháng 10 19, 2012 |

 I – Dẫn Nhập 

Một Con Người Liêm Khiết 

- Mạc Đĩnh Chi là người rất liêm khiết, thẳng thắn, giàu sang phú quý đối với ông không có ý nghĩa gì, cho nên được người đời ca tụng. 
Một lần, vào năm 1323, vua Trần Minh Tông cho gọi viên quan nội thị đến nói nhỏ: 
- Nghe nói các quan và dân chúng đều biết Mạc Trạng Nguyên là người liêm khiết, thẳng thắn lắm. Trẫm định thử xem có đúng như thế chăng? Nói đoạn, vua Minh Tông lấy 10 quan tiền đặt vào tay viên quan nội thị, rồi ghé sát tai thì thầm to nhỏ. 
Viên quan nội thị tâu: 
- Thần sẽ làm đúng như ý bệ hạ sai bảo. 
Sáng hôm ấy, Mạc Đĩnh Chi dậy sớm hơn thường lệ. Trời còn chưa sáng rõ, ông đã tập xong hai bài quyền. Ông vươn người hít thở không khí trong lành của buổi sớm ban mai. Xong công việc thường lệ, ông lững thững vào nhà. 
Vừa bước lên bậc cửa, bỗng ông kêu lên kinh ngạc: 
- Ô kìa! tiền của ai đánh rơi mà nhiều thế kia? Ông nhặt lên đếm, vừa tròn 10 quan. 
Ông thầm nghĩ : “Quái ! Đêm qua không có ai lại chơi, sao có tiền rơi? “. 
Ông vội vã khăn áo chỉnh tề, vào yết kiến nhà vua: 
- Tâu bệ hạ, thần sáng nay có bắt được 10 quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả mà không ai nhận, thần xin trao lại để bệ hạ trả lại kẻ mất của. 
Vua Minh Tông mỉm cười gật đầu : 
- Không ai nhận tiền ấy thì người cứ lấy mà dùng… 
- Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm, nên tìm người trả lại thì hơn. 
- Nhà ngươi yên tâm, cứ giữ lấy mà dùng. Tiền thưởng lòng chính trực, liêm khiết của nhà ngươi đấy. 
Mạc Đỉnh Chi bấy giờ mới vỡ lẽ ra là nhà vua đã thử lòng ông. Ông chào tạ ơn trở về. 

Thứ Gì Là Quý Nhất 

Đời Xuân Thu, Từ Hãn làm quan nước Tống, có người mang ngọc quý đến biếu, Từ Hãn không nhận. 
Người biếu ngọc nài nỉ: 
- Ngọc này rất quý thưa ngài. 
Từ Hãn hỏi: 
- Ông có thứ gì là quý nhất? 
- Tôi chỉ có viên ngọc này là quý nhất, nên mới đem biếu ngài 
- Tôi thì thấy lòng thanh liêm ngay thẳng mới là quý. Nay nếu tôi nhận ngọc này, thì chẳng phải cả tôi với ông đều mất đi cái quý giá nhất của mình hay sao? 
Người biếu ngọc cúi đầu thưa: 
- Chúng tôi là thường dân mà giữ ngọc báu thì e không tránh khỏi trộm cướp, mà có khi còn bị hại đến thân. Từ Hãn bèn lưu người biếu ngọc ở lại. 
Đoạn tìm thợ đến dũa ngọc rồi đem bán lấy tiền trao cả cho người chủ ngọc mang về. 
Tấm lòng của Từ Hãn vừa liêm khiết vừa nhân hậu. Làm quan mà được như ông thì thiên hạ được nhờ. 

II – Nội Dung 

1. “Liêm” là gì? 

“Liêm” là đức tính trong sạch, không ham của người khác, không tơ hào của công (từ điển Vdict.com) 
Theo lời dạy của Bác Hồ thì “liêm” nghĩa là trong sạch, không tham lam, không tham tiền tài, không tham địa vị, không tham danh tiếng, không tham người khác tâng bốc mình… 
Chỉ có một thứ tham là tham học, tham làm, tham tiến bộ. 
“Liêm” phải đi đôi với “kiệm” (đã học ở bài trước) vì có “kiệm” mới “liêm” được. 
Những kẻ không biết tiết kiệm, tiêu xài xa xỉ, sẽ dẫn đến tham lam, tham nhận hối lộ, tham được của người khác biếu tặng. 
Ta thường thấy chữ “liêm” trong “thanh liêm”, “liêm khiết”… Ngoài ra, “liêm” còn thường đi với “sỉ”. 

2. Vì sao phải giữ chữ “liêm”? 

Tham lam là một điều rất đáng xấu hổ. Dễ dẫn đưa con người đến tội lỗi. 
Vì lòng tham khiến con người ta ra mù quáng, dễ trở thành nô lệ cho tiền tài, danh vọng, địa vị. Một khi lệ thuộc vào chúng, ta mất đi sự khôn ngoan sáng suốt để suy nghĩ những điều hợp lẽ đạo. 
Sách Huấn Ca có viết: “Đã ham tiền không sao công chính được, chạy theo lợi lộc ắt sẽ lỗi lầm. Bạc tiền khiến cho bao người sa ngã, thế nào cũng đưa họ đến hư vong. Nó là cái bẫy cho ai say mê nó, hết mọi kẻ ngu si sẽ sa vào.” (Huấn ca 31, 5-7) 
Thật vậy, người mà không “liêm” thì cái gì cũng lấy, không “sỉ” thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. “Liêm” và “sỉ” là tính rất hay của loài người (Khổng Tử) Nghĩ cho kĩ, thì “sỉ” cần hơn “liêm”: người không “liêm” làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô “sỉ” mà ra. 
Thầy Mạnh Tử nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là “người thì không thể không biết xấu hổ” 
Những hành động bất liêm đều phải dùng pháp luật để trừng trị, dù đó là người nào, giữ cương vị gì, làm nghề gì. “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Và như thầy Mạnh Tử đã nói “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy” 

3. Giữ chữ “liêm” như thế nào? 

Không tham những thứ không thuộc về mình, không trộm cắp, không nhận hối lộ, nhặt được của rơi phải trả lại cho người đã mất. Người “liêm khiết” không mong nhận của đút, cũng không xu nịnh, chạy chọt, đút lót cho kẻ quyền thế để vụ lợi. Không sử dụng của công vào những mục đích cá nhân. Người “liêm khiết” còn là người không thích xu nịnh, không ham được người khác tâng bốc, biết tự hào một cách khiêm tốn đúng với giá trị của mình. 

4. Lời kết Linh mục Gaston Courtois đã giải thích về đức thanh liêm: 

“Thanh liêm, một đức tính ít gặp, nhưng rất cao quý, vì nó là vàng ròng để rèn đúc tâm hồn vị thủ lãnh chân chính” Tuy lời ngài nói lên nhằm cổ vũ trực tiếp các thủ lãnh, nhưng suy rộng ra cũng có thể hiểu ngài nói về mỗi chúng ta, nếu ta muốn trở thành một “người”, thì ta phải quyết tâm rèn luyện đức tính này vậy. 

III – Liên Hệ Lời Chúa 

“Tài sản quân bất chính sẽ như dòng suối cạn, sẽ như sấm nổ giữa cơn mưa” (Hc 40,13) “Của phi nghĩa nào lợi ích chi, sống công chính mới cứu ta khỏi chết”. (Khôn ngoan 10, 2) 

IV – Luyện Tập 

Mỗi khi nhặt được của rơi, em đem trả lại, hoặc nộp cho cơ quan có trách nhiệm để họ trả lại cho người đã đánh mất.

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/thao-luan-ve-phong-trao/338-giao-duc-nhan-ban.html
Read more…

Bài 2: Học Tập Chữ “Kiệm”

tháng 10 19, 2012 |

I – Dẫn Nhập 

Một Que Diêm 

“Thấy Bác tìm đóm châm lửa, Hào (Doãn Trọng Hào) nhanh nhẹn rút bao diêm trong túi mình ra, lấy một que định quẹt lửa mời Bác. Bác liền giơ tay ngăn lại: Chú để dành diêm mà nhóm bếp, Bác châm lửa ở trong lò cũng được. Ngừng một lát Bác hỏi Hào: Chú có biết phải qua tay bao nhiêu người mới làm ra một que diêm hay không ? Vì vậy, mỗi người khi dùng một que diêm, chúng ta phải nghĩ đến công sức của bao nhiêu người. Tất cả chúng ta cần thấm nhuần lời dạy ấy. Bác đã dạy chúng ta bài học sâu sắc về đạo lý làm người... Phải tiết kiệm từ vật nhỏ. Phải cần kiệm để xây dựng xã hội…” Chén Cháo Bằng Cơm Nguội Khi còn ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng (bảo vệ của Bác) nói với bà Liên (người giúp việc cho Bác): “ Hôm nay Bác mệt không ăn được cơm, cô nấu cho Bác bát cháo”. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhỏm dậy bảo bà Liên: “Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”.

II – Nội Dung 

1. “Kiệm” là gì? 

“Kiệm” là dành dụm, không hoang phí, có chừng mực. Ta thường gặp cụm từ “tiết kiệm” trong đó “tiết” có nghĩa là giảm bớt, kìm hãm, hạn chế, dằn lại. Nghĩa chung, “tiết kiệm” là việc hạn chế đúng mức, chi tiêu dè xẻn, không hoang phí, không xa hoa trong việc sử dụng tiền của, sức khỏe, thời gian. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, hà tiện, gặp việc gì đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm mang nghĩa tích cực chứ không tiêu cực.

2. Vì sao phải tiết kiệm? 

Mỗi thứ của cải chúng ta làm ra phải tốn bao nhiêu mồ hôi và sức lao động: để có được hạt gạo thơm, người nông dân đã phải cật lực làm lụng, cày bừa, chăm bón như thế nào? Để làm ra được một cái bàn, cái ghế phải mất bao nhiêu công sức… để có tiền cho các em ăn học cha mẹ đã phải vất vả đêm ngày… Những của cải, tiền bạc do chúng ta dùng mồ hôi công sức làm ra chúng ta phải biết quý. Chỉ có những kẻ ăn không ngồi rồi, hưởng thụ từ thành quả của người khác mới không biết tiết kiệm. Ở tuổi các em, các em chưa làm ra tiền bạc, do đó chi tiêu dè xẻn còn là cách các em thể hiện sự trân trọng những công lao, khó nhọc của bố mẹ; quý trọng từng hạt gạo là cách các em thể hiện sự trân trọng đối với người nông dân… Do hậu quả của tội đem lại, lao động của con người không phải lúc nào cũng thuận lợi dễ dàng (bài trước).
Do đó, phải biết tiết kiệm, để dành phòng khi thiếu thốn. Nhà thơ Tố Hữu có viết: “Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”...
Tục ngữ có câu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”.
Không chỉ nghèo mới cần tiết kiệm, mà cả giàu cũng cần tiết kiệm. Người nghèo tiết kiệm sẽ đỡ nghèo đi, còn người giàu tiết kiệm sẽ càng giàu hơn lên. Ngạn ngữ phương Tây có một câu rất chí lý: “Kẻ nào không biết quý những đồng tiền lẻ, sẽ không có những đồng tiền chẵn”. Một tí phân, một ngọn lá, một hòn than, một mẩu sắt, một cân ngô thì chưa là gì, nhưng nhiều tí phân, nhiều ngọn lá, nhiều hòn than, nhiều mẩu sắt, nhiều cân ngô thì sẽ thành khối tài sản có giá trị, đủ sức “dựng cơ đồ” với “những đồng tiền chẵn”. Có những thứ không phải cứ làm là có, cứ có tiền là mua.
Đó là những tài nguyên thiên nhiên có giới hạn như điện, nước, xăng dầu… nếu xài quá mức sẽ có lúc cạn kiệt.
Do vậy, phải biết quý trọng và sử dụng cho hợp lý. Thời gian và sức khỏe là những thứ không thể dùng tiền mua được. Đối với lứa tuổi học sinh, việc tiết kiệm thời gian và sức khỏe của bản thân là điều rất cần thiết. “Thời gian là vàng bạc”, mỗi giây mỗi phút chúng ta để trôi qua một cách lãng phí sẽ không bao giờ lấy lại được. Sinh thời, để tiết kiệm thời gian, Bác Hồ dạy: “Ai mang vàng vứt đi là người điên rồ. Ai mang thời giờ vứt đi là người ngu dại” Cần biết tiết kiệm thời gian và sức khỏe để dùng vào những việc chính đáng như học tập, thờ phượng, rèn luyện đạo đức… tránh hao phí quá nhiều thời gian và sức khỏe vào việc vui chơi giải trí. Như vậy, đức tính “Kiệm” giúp cho ta biết sống đủ, sống không nô lệ vật chất, không nô lệ dục vọng. 

3. Tiết kiệm như thế nào? 

Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. Tiết kiệm tiền của Tiêu xài điều độ, đừng làm ít xài nhiều, ăn tiêu quá độ, hoang phí. Cần định mức chi thu rõ rệt: lập sổ chi thu cho minh bạch. Dùng đồng tiền cách phải lẽ, không bủn xỉn, hà tiện, nhưng để thỏa mãn nhu cầu cần thiết và để dành lúc túng thiếu. Về của cải: nhà cửa, đồ dùng, quần áo, điện nước, thức ăn uống… 
- Đối với của tư: liệt kê đồ dùng cá nhân, sử dụng đúng mức, giữ gìn cẩn thận để đồ dùng được lâu bền; tiết kiệm tiền mua sắm; ăn mặc giản dị, không sa hoa, chạy theo mode… 
- Đối với của công: sử dụng tiết kiệm điện nước ở nhà thờ, nhà giáo lý, nhà trường, thư viện, nơi công cộng… 
- Đối với đồ ăn thức uống: tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo.” Tiết kiệm sức khỏe Sức khỏe là cái quý báu của con người. Vì thế, cần bảo vệ sức khỏe bằng sự điều độ. 
- Về ăn uống: cần ăn uống thức ăn bổ dưỡng, sạch sẽ, tránh những gì có hại cho sức khỏe. 
- Về ngủ nghỉ: tránh thức khuya hoặc ngủ nướng. 
- Về làm việc: làm việc chừng mực, đúng giờ, đúng việc, tránh đam mê, làm ráng… khi mệt mỏi cần giải trí, tạm nghỉ. 
- Siêng năng tập thể dục Tiết kiệm thời gian Làm việc đúng giờ giấc, giờ nào việc nấy, phải biết sắp xếp thời giờ cho hợp lý. 

4. Lời kết 

“Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm, thì “làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy, nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không” (Hồ Chí Minh) 

III – Liên Hệ Lời Chúa 

“Một người thợ say sưa sẽ không giàu có được, Kẻ coi thường lợi nhỏ sẽ rơi vào nghèo túng” (HC 19,1) 

IV – Luyện Tập 

Tập chi tiêu hợp lý: hạn chế ăn quà vặt, chơi game, mua sắm; ăn mặc giản dị; không bỏ thức ăn thừa mứa… Tập tiết kiệm thời gian: hạn chế nói chuyện phiếm làm mất thời giờ của mình và người khác; tập trình bày ngắn gọn, súc tích; lập thời gian biểu cho những công việc phải làm. Tập giữ gìn sức khỏe: tập thể dục mỗi sáng, ăn ngủ đúng giấc. 
BTVN: Lập sổ chi thu như mẫu dưới 
BTVN: Chép và tập bài hát Việc Gì Làm Hôm Nay Việc gì làm hôm nay, ta hãy làm ta quyết làm, việc gì làm hôm nay đừng để đến đến ngày mai. Việc gì làm hôm nay không bao giờ trở lại. Việc gì làm hôm nay ta quyết làm là làm cho xong. Ơ… một ngày đã qua, một ngày đã qua, ta đã làm gì, ta đã làm gì. Ơ… bạn bè anh em tự hỏi lương tri ta đã làm gì cho ngày hôm nay.

Trích dẫn từ: http://giesulove.net/diendan/thao-luan-ve-phong-trao/338-giao-duc-nhan-ban.html
Read more…

Bài 1: Học Tập Chữ “Cần”

tháng 10 19, 2012 |

I – Dẫn Nhập 

Sói Già Và Ba Chú Heo Con 

Ngày xưa, ở một khu rừng nọ, có ba chú heo con sống quây quần vui vẻ trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh dòng sông. 
Năm ấy nước sông dâng cao hơn mọi năm, căn nhà cũ của ba chú heo bị ngập nước lâu ngày nên sụp đổ. Chú heo anh cả bèn nói với 2 em của mình rằng : - Hai em ạ! chúng ta đều đã lớn, không thể cứ sống chung với nhau trong một ngôi nhà mãi được, chúng ta phải xây dựng cho mình một căn nhà và cuộc sống riêng. 
Hai em hãy tìm vật liệu ưng ý mà dựng nhà, làm cho chắc vào, Lão Sói độc ác sẽ không để yên chúng ta đâu! Chú heo thứ 2 vốn lười biếng, ham ăn nên sẵn những cây Lau Sậy mọc gần bờ sông, Heo ta mang về dựng cho mình một túp lều. Căn nhà chỉ dựng xong trong vòng 2 ngày. 
Buổi tối nằm trên ổ rơm lót giữa lều ngửa mặt hít mùi Lau sậy tươi thơm phức, mút cây cà rem sô-cô-la chú ta lấy làm khoái lắm! Chú heo út thì cẩn thận hơn, chú vào rừng tìm những cành cây khô và bẻ những nhánh Thông để làm sườn nhà. Chú nhặt những miếng ván mục từ căn nhà cũ làm vách, cửa thì ghép bằng những cành lá đủ loại. 
Phải mất 5 ngày chú heo út mới làm xong căn nhà của mình. Căn nhà của chú heo út trông xinh xắn và có vẻ chắc chắn với mái nhà lợp bằng những cành lá Thông thơm nức mùi nhựa non. 
Chú heo cả chăm chỉ và cẩn thận hơn cả, chú hì hục móc đất từ bờ sông lên đóng khuôn, phơi khô làm gạch, làm ngói. Chú lại vào tận rừng sâu tìm những thân cây to bị mưa bão làm gãy mang về làm sườn nhà, mái nhà lợp ngói xếp chặt vào nhau, mưa to đến mấy cũng không thấm nước được. 
Mất gần tháng trời căn nhà mới hoàn tất. 

Mùa Đông đã đến, Lão Sói hung ác mấy ngày rồi chưa có gì bỏ vào bụng. Lão nhớ tới ba anh em nhà heo sống ở bìa rừng, thịt các chú heo non thì ngon phải biết! 

Lão lần ra ven rừng, tới căn nhà cạnh bờ sông của chú heo thứ 2: 
- Mở cửa cho ta nào, bé heo ơi! Ngoài trời lạnh lắm, cho ta vào sưởi ấm một tí nào, bé cưng! 
Chú heo con nhìn qua khe hở vách nhà thấy một khuôn mặt dữ tợn với 2 cái tai dài, những cái răng nhọn, thè cái lưỡi đỏ lòm ghê gớm: 
- Không không! Tôi không mở cửa đâu! Ông đi nơi khác đi! 
- Mở cửa ngay, không thì ta sẽ cho mi một trận! Nhanh lên nào con heo ngu ngốc kia! 
Lão Sói dữ tợn gầm lên, chú heo con sợ hãi cố ép chặt thân hình giữ lấy cánh cửa Lau Sậy, nhưng chỉ với một hơi thổi mạnh của Sói, những cành Lau sậy đã rụng tơi tả và chẳng mấy chốc căn nhà đã bị thổi tung! 

Chú heo con vội vã lao như bay về phía căn nhà của chú heo út ở gần đó: 
- Út ơi! út ơi! mở cửa cho anh vào với, nhanh lên nào, Lão Sói độc ác đang đuổi anh nè! 
Chú heo thứ 2 vừa vào nhà, chú heo út nhanh nhẹn đóng cửa lại: 
- Anh yên tâm đi, vào nhà em rồi thì Sói chẳng làm gì được anh em mình đâu! 
Sói bị đứng ngoài trời lạnh lẽo, mắt long lên sòng sọc vì tức: 
- Mấy con heo nhãi ranh kia, mở cửa ngay cho ta vào, bằng không thì đừng có trách nhé! 
- Không đâu ông Sói ơi! Chúng tôi chẳng mở cửa cho ông đâu! 
Lần này, Lão Sói già thổi thật mạnh vào căn nhà của chú heo út, một lần, hai lần, tới lần thứ ba thì căn nhà rung rinh mạnh rồi đổ ụp xuống. 

Hai chú heo con phóng như bay trên con đường dẫn tới nhà anh cả trong lúc Sói còn đang bị vướng trong đống cành cây gỗ mục. 
- Anh ơi! Anh ơi! Cứu chúng em với, Sói ăn thịt chúng em mất! 
Heo cả mở cánh cửa đón 2 em vào nhà. Trong nhà có bàn ghế và cả một lò sưởi ấm áp tỏa hơi nóng, lửa cháy đỏ rực. 
- Hai em nghỉ đi cho khoẻ, để anh tính cho, Lão Sói sẽ chẳng làm gì được đâu! 
Lão Sói chạy rượt hai chú heo con về tới nhà heo cả thì mệt bở hơi tai, thở hổn hển, lưỡi thè dài cả ra ngoài: 
- Mở... mở cửa! ... mở cửa cho ta, lũ heo ngu ngốc kia! 
- Còn lâu! Chúng tôi không đời nào mở cửa cho ông đâu! 
- Ta mà vào được thì cả 3 đứa chúng mày ta nuốt tất! 
Lão gầm lên hung tợn rồi dùng hết sức mình tông vào cánh cửa. Cả thân hình của lão bị bật tung trở lại, đau ê ẩm mà cánh cửa thì trơ trơ. Lão nhào đến dùng những móng vuốt nhọn cào cấu lên lớp cửa gỗ, nhưng chẳng ăn thua gì, móng vuốt bị gãy, tay chân rướm máu mà căn nhà vẫn y nguyên! 
Sau một hồi điên cuồng tấn công chung quanh, Lão chợt nảy ra một ý: 
- Ta leo vào nhà bằng lối ống khói thì bọn chúng không biết được! Vào nhà rồi ta sẽ ăn thịt cả 3 đứa, lại chiếm luôn căn nhà làm chỗ ở thật là một công đôi chuyện! 
Sói ta nghĩ thầm, rồi thận trọng leo lên cây Sồi cạnh nhà, Sói từ từ bò lên mái nhà, tiến dần tới ống khói lò sưởi. Ở trong nhà, qua một cánh cửa nhỏ ở vách tường, chú heo cả đã nhìn thấy tất cả. Chú thì thầm gọi 2 em tới, cả 3 đặt lên bếp một cái nồi thật to, đổ đầy nước, vừa cố sức đẩy thật nhiều củi to vào bếp lò đang đỏ rực, vừa quạt cho lửa càng cháy mạnh lên. Chẳng mấy chốc nồi nước đã bắt đầu sôi. 
Lão Sói hung ác đang cố hết sức nhẹ nhàng tuột dần xuống ống khói lò sưởi, hơi nóng bốc lên cùng với khói làm mắt Sói cay xè, lão tuột tay té ngay vào nồi nước đang sôi ùng ục trên bếp. Thế là xong đời Sói già hung ác! 
Hai chú heo em đã nhận ra: vì làm biếng mà suýt chút nữa đã làm hại chính mình, 2 chú ở chung với anh cả chờ qua mùa Đông để học cách xây nhà. 
Khi mùa Xuân tới cả 2 chú heo em cùng dựng cho mình một căn nhà cũng chắc chắn như căn nhà của anh cả ở gần nơi đó. Từ đó ba anh em sống yên ổn vui vẻ, nếu hôm nay vẫn chưa dọn đi thì có lẽ là 3 chú heo con vẫn còn đang sống ở đó đấy! 

II – Nội Dung 

1. “Cần” là gì? 

“Cần” là chuyên cần, chăm chỉ, siêng năng. Một người chuyên cần là người siêng năng, ham làm việc và làm đến nơi đến chốn.
Thí dụ: Một thiếu nhi chuyên cần là người học giáo lý đầy đủ khi đến lớp, bài vở ghi chép cẩn thận, tham dự thánh lễ đầy đủ, cầu nguyện mỗi ngày, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích…

Trái với chuyên cần là lười biếng. 
Người lười biếng là người thích ở không, ngại làm, sợ khó nhọc nhất là trong việc đạo đức, việc bổn phận.
Người lười biếng là người ơ hờ, trễ nãi, lừng khừng, không thiết tha với công việc.
Người lười biếng là người làm cẩu thả, làm cho qua chuyện, không đến nơi đến chốn. Thí dụ: Một thiếu nhi lười biếng là người đến lớp không thuộc bài, không làm bài tập về nhà, bỏ tham dự thánh lễ, bỏ đọc kinh cầu nguyện…

2. Giá trị của lao động 

a. Lao động là gì? 

Lao động là việc làm có ý thức của con người nhằm làm chủ thiên nhiên tức là cải biến thiên nhiên, nhằm nuôi sống bản thân, đồng thời tạo ra những giá trị tinh thần hay vật chất cho xã hội. Lao động là điểm khác nhau cơ bản giữa người và động vật: loài vật không biết lao động mà chỉ hoạt động theo bản năng, hoặc được huấn luyện như con ong kiếm mật, con trâu kéo cày…
Có 2 loại lao động chính: lao động chân tay và lao động trí óc.
Cả 2 loại lao động trên đều cần thiết cho xã hội, kết hợp chặt chẽ với nhau để sản xuất ra của cải ngày càng nhiều, càng nhanh, càng tốt cho xã hội.
Ngoài ra còn có lao động nghệ thuật như ca vũ, hội họa, điện ảnh…cũng rất cần thiết cho xã hội vì có tác động cổ võ, động viên.

b. Tại sao phải lao động? 

Mỗi người khi sinh ra đều có nghĩa vụ lao động.
Thật vậy, trừ những người tàn tật, già cả, bệnh hoạn thì tất cả mọi người trong xã hội đều có nghĩa vụ lao động.
Giá trị nhân bản của lao động Ca dao tục ngữ nói:
“Tay làm hàm nhai” 

“Có làm thì mới có ăn 
Không dưng ai dễ đem phần đến cho” 

Như vậy, mọi hình thức lao động từ buôn bán, sản xuất, trồng trọt, xây dựng (lao động chân tay)… cho đến việc học tập, nghiên cứu (lao động trí óc) của con người đều nhằm mục đích mưu sinh.
Dần dần, theo sự phát triển của xã hội, con người đã nâng giá trị của lao động lên tầm cao mới, không chỉ dừng lại ở mục đích mưu sinh mà còn nhằm làm tốt hơn, làm đẹp hơn. Lao động từ đó trở nên có nghệ thuật, có kỹ thuật hơn rồi tiến tới lao động có tính cách khoa học tiên tiến như hiện nay.
Do đó, giá trị nhân bản của lao động nằm ở 2 mục đích: mục đích sinh tồn và mục đích văn hóa.
Xét về phương diện cá nhân, lao động giúp cho con người, nhất là người thanh thiếu niên trưởng thành hơn về quan điểm của mình và rèn luyện nhiều đức tính tốt.
Xét về phương diện tập thể, lao động tạo điều kiện xây dựng xã hội ấm no, tốt đẹp hơn. Giá trị siêu nhiên của lao động Nhiều người cho rằng lao động là hậu quả và hình phạt của tội lỗi và kết luận nếu không phạm tội thì con người đã không phải lao động.

Quan niệm sai lầm này cần phải được loại bỏ. 
Sáng Thế Ký đã ghi lại: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15). Như vậy, trước khi con người phạm tội Thiên Chúa đã muốn con người lao động để tiếp nối công trình sáng tạo của Ngài.
Thực ra cái mà tội lỗi đem lại không phải là lao động, nhưng là tính chất cực nhọc vất vả của nó: “ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”. (St 3, 17-19) Qua lao động, dù là lao động tay chân, hay lao động trí óc, con người được kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa để cải tạo thế giới.
Để giải thích quan niệm trên, E. Krebs đã viết: “Gia-Vê Thiên Chúa, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài đã có tự đời đời”.
Nói như thế vẫn chưa đủ, tuy Thiên Chúa nghỉ ngơi, nhưng Người vẫn hoạt động và quan phòng tất cả những công trình tay Người tác tạo.
Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng mang đặc tính hoạt động như Người. Giá trị cứu độ của lao động Trong lao động, chúng ta được liên kết với sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa đến nỗi chúng ta không còn là dụng cụ, nhưng là sức hoạt động của Thiên Chúa nối dài. Đừng lầm tưởng là nhận định đó chỉ thể hiện trong những công tác lớn lao mà thôi, song trái lại, nó thể hiện trong bất kỳ công việc nào dù là những công việc bé nhỏ, đơn sơ nhất.
Qua lao động, chúng ta góp phần cứu rỗi chính chúng ta và toàn thế giới. Vì khi lao động ta cầu nguyện, liên kết với Chúa để việc ta làm được nâng đỡ bởi sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa. Nhờ lao động, ta có khả năng tin tưởng, yêu mến nhiều hơn, phát triển tài năng Chúa ban (nén bạc Chúa trao) để sinh ích lợi cho nhiều người.

3. Tác hại của thói lười biếng 

Liên hệ câu chuyện dẫn nhập. “Nhàn cư vi bất thiện”. Lười biếng dễ đưa ta đến những thói xấu như lừa gạt, trộm cắp…
Kẻ lười biếng không có cái ăn, sẽ trở thành kẻ ăn bám xã hội, hoặc trở thành kẻ trộm cắp, bị mọi người khinh chê.
Xét về mặt siêu nhiên, kẻ làm biếng từ chối lao động, tức là từ chối cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Kẻ lười biếng bê trễ việc tham dự thánh lễ, rèn luyện các nhân đức, bỏ cầu nguyện… sẽ ngày càng xa cách Chúa hơn.

4. Lời kết 

Làm việc là quy luật chung trong trời đất. “Chim có cánh để bay, người có tay để làm”, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Có chuyên cần làm việc thì các tài năng Chúa ban (nén vàng) mới có cơ hội phát triển.

III – Liên Hệ Lời Chúa 

“Hỡi người biếng nhác, ngươi còn nằm đó tới bao giờ ? Chừng nào ngươi mới ngủ dậy ? Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm một chút, là cái nghèo sẽ đến như tên du thủ du thực, cảnh bần cùng sẽ đột nhập như người có vũ trang.” (Châm ngôn 6, 9-11)

IV – Luyện Tập 

Chăm chú nghe giảng bài, học bài và làm bài đầy đủ. Siêng năng tham dự thánh lễ và thực hiện các việc đạo đức hằng ngày.
BTVN: chép và tập bài hát Nén Vàng Chúa Trao Chúa trao cho ta, người một nén vàng, người hai nén vàng, người ba nén vàng. Đừng chôn xuống đất, đừng cất rồi quên, mà đem sinh lãi, gấp hai ba lần.
Read more…